Xu hướng mới và đang ngày càng phổ biến trong ngành Marketing chính là Influencer Marketing. Với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử, một hình thức Influencer mới đã ra đời và đang dần dần chiếm giữ vị trí ngang hàng với KOL (Key Opinion Leader) là KOC (Key Opinion Consumer).
Vậy bạn có thể nêu sự khác biệt giữa KOL và KOC không? Hãy cùng PeakAds tìm hiểu về hai khái niệm hot nhất hiện nay nhé!
1/ Định nghĩa KOL và KOC
KOL (Key Opinion Leader) là những người có chuyên môn sâu về một khía cạnh nhất định, nhờ vào sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng lớn và hiểu biết của bản thân mà họ tạo ra sự tác động đến suy nghĩ của người tiêu dùng về sản phẩm/dịch vụ trong lĩnh vực đó.
KOC (Key Opinion Consumer) lại không có nhiều chuyên môn như KOL mà chỉ nhận xét về sản phẩm/dịch vụ dưới góc nhìn chủ quan của một người tiêu dùng thực sự. KOC thường có số lượng người theo dõi nằm ở mức độ trung bình nhưng họ lại có độ tác động mạnh lên nhóm đối tượng đó.
2/ Những nét khác biệt giữa KOL và KOC
Tính chủ động
Thông thường, các thương hiệu sẽ tự tìm hiểu thông tin của KOL như mức độ ảnh hưởng, phản hồi từ phía người tiêu dùng và đưa ra quyết định liên hệ để ký kết hợp đồng quảng bá. Các KOLs sẽ được nhận tiền quảng cáo và có cơ hội sử dụng sản phẩm của thương hiệu hoàn toàn miễn phí.
Ngược lại với KOL, các KOC thường chủ động tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu, sau đó tiến hành sử dụng và đưa ra nhận xét. Kết thúc quá trình này, các KOC sẽ nhận được tiền hoa hồng hoặc được nhãn hàng tặng sản phẩm.
Phạm vi ảnh hưởng
KOL được phân loại dựa trên lượng người theo dõi, có 3 cấp độ từ bé đến lớn lần lượt là nano (1.000 – 10.000), micro (10.000 – 50.000) và cuối cùng là mega (trên 1 triệu). Tùy thuộc vào tính chất và ngân sách của chiến dịch mà thương hiệu sẽ lên kế hoạch lựa chọn các cấp độ KOL phù hợp nhất.
Đối với các KOC, do tính chất công việc chủ yếu là đánh giá sản phẩm nên số lượng người theo dõi của họ chỉ nằm trong khoảng từ thấp đến trung bình. Vì vậy yếu tố nhiều người theo dõi không phải là yếu tố chính để đánh giá một KOC, thương hiệu nên quan sát mức độ tương tác, mức độ tin cậy của người xem đối với KOC để đưa ra quyết định.
Tính chuyên môn
Các KOL thường có chuyên môn sâu về lĩnh vực mà họ đang hoạt động, họ đưa ra những lời khuyên chuyên nghiệp giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm. Đối với các KOC, họ chỉ nhận xét sản phẩm một cách chủ quan dựa trên cảm nhận cá nhân nhưng lại được nhiều người tin tưởng hơn vì xuất phát điểm của các KOC là dựa trên một người tiêu dùng chứ không phải người đại diện nhận tiền quảng cáo như các KOL.