Quảng cáo là một thuật ngữ vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Theo lịch sử ghi nhận, hình thức quảng cáo đã xuất hiện lần đầu tiên cách đây khoảng 3000 năm trước công nguyên. Trải qua một hành trình dài hình thành và phát triển, quảng cáo ngày nay vẫn đang tiếp tục lớn mạnh mỗi ngày và trở nên phong phú về cả nội dung lẫn hình thức sáng tạo.
Vậy quảng cáo là gì? Quảng cáo và marketing có gì khác nhau? Nên áp dụng hình thức quảng cáo nào cho chiến dịch marketing của doanh nghiệp? Hãy cùng Peakads tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1/ Quảng cáo là gì?
Quảng cáo luôn tồn tại xung quanh và gần gũi với chúng ta ngay cả khi chúng ta không hề biết về nó. Dù bạn là ai, là khách hàng hay là người làm kinh doanh, mỗi ngày bạn đều phải tiếp xúc với vô vàn thông điệp quảng cáo thông qua rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Quảng cáo được thực hiện dưới hình thức tuyên truyền có thể được trả phí hoặc không nhằm giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ, các hoạt động nổi bật của công ty, doanh nghiệp,.. đến với khách hàng.
Quảng cáo là hoạt động giúp làm tăng mức tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp bằng nỗ lực cung cấp những thông điệp bán hàng một cách thuyết phục, từ đó tác động tới hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Mặt khác, có thể xem quảng cáo là công cụ để lan tỏa những sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng, thuyết phục người tiêu dùng rằng nhãn hiệu này được quảng cáo tốt hơn, đặc biệt hơn các nhãn hiệu khác.
2/ Sự khác nhau giữa quảng cáo và marketing?
Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm quảng cáo và marketing và nghĩ rằng chúng có thể được sử dụng thay thế cho nhau. Nhưng trên thực tế, quảng cáo và marketing lại là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt.
Thử tưởng tượng marketing chính là một chiếc bánh lớn gồm nhiều miếng nhỏ, mỗi miếng bánh nhỏ lại đại diện cho một lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm, quan hệ công chúng, kế hoạch media, chiến lược bán hàng… thì quảng cáo cũng là một trong các miếng bánh nhỏ ấy. Nói cách khác, marketing chính là toàn bộ quá trình và chiến lược kinh doanh truyền thông, còn quảng cáo lại là một hoạt động riêng biệt nằm trong quá trình đó.
Tuy nhiên, dù riêng biệt nhưng quảng cáo không hoạt động một cách độc lập, cần phải có sự tương tác, hỗ trợ với các “miếng bánh” còn lại để tạo nên một tổng thể thống nhất và hiệu quả nhất.
Khác với quảng cáo, marketing là một quá trình quản lý của doanh nghiệp nhằm phát hiện ra nhu cầu của khách hàng và đáp ứng các nhu cầu ấy một cách có hiệu quả hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Trong khi quảng cáo có trách nhiệm thông báo, thuyết phục và nhắc nhở khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty, doanh nghiệp thì marketing lại xây dựng hình ảnh thương hiệu, mang về những giá trị lợi ích cho công ty. Thông qua các hình thức quảng cáo, PR, khuyến mãi, khuyến mại… quảng cáo quan tâm đến các đối tượng là khách hàng tiềm năng, có khả năng chi trả cho các sản phẩm, dịch vụ, còn marketing lại hướng đến mọi đối tượng khách hàng thông qua những hình thức quảng cáo trên truyền hình, báo chí hoặc website…
3/ Vai trò của quảng cáo
Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, quảng cáo ngày càng đóng vai trò quan trọng không chỉ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn có những vai trò nhất định đối với đời sống xã hội.
– Đối với doanh nghiệp: Quảng cáo là hoạt động được thực hiện trước hoặc sau khi sản phẩm hoặc dịch vụ được tung ra thị trường. Quảng cáo đóng vai trò là một phương tiện tiếp thị quan trọng, giúp thông điệp về sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng được chuyển đến khách hàng. Ngoài ra, quảng cáo còn là công cụ hữu hiệu để hỗ trợ bán hàng, giảm nhẹ chi phí phân phối cho doanh nghiệp.
– Đối với nhà phân phối: Thông thường, khi tung sản phẩm ra thị trường, nhà sản xuất đã tiến hành thực hiện các hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, khi sản phẩm về tới nhà phân phối, để có thể bán hàng thuận lợi hơn, nhà phân phối lại tiếp tục thực hiện chiến dịch quảng cáo lần 2. Lúc này, chức năng thông tin của quảng cáo sẽ thu hút người tiêu dùng tìm đến sản phẩm.
– Đối với người tiêu dùng: Quảng cáo giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về loại hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ đang cần. Nhờ vào quảng cáo, người tiêu dùng sẽ không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm và có thể cân nhắc lựa chọn giữa các thương hiệu để đi đến quyết định mua hàng cuối cùng. Nói cách khác, quảng cáo đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nâng cao trình độ nhận thức về sản phẩm và dịch vụ đang lưu hành trên thị trường.
– Đối với xã hội: Nhịp sống luôn phát triển từng ngày, quảng cáo ngày nay cũng không còn đơn giản chỉ là quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà còn đòi hỏi gửi gắm những thông điệp nhân văn giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, để tạo ra một sản phẩm quảng cáo đạt chất lượng cao cần phải có một đội ngũ những người sáng tạo, biên kịch, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, quay phim, diễn viên… cùng góp sức, từ đó giúp tạo cơ hội việc làm cho rất nhiều ngành nghề trong xã hội.
4/ Các loại hình quảng cáo phổ biến
4.1/ Quảng cáo thương hiệu (brand advertising)
Quảng cáo xây dựng thương hiệu giúp tạo dựng sự nhận biết về một thương hiệu, xây dựng mối quan hệ, hình ảnh uy tín và chất lượng về lâu dài giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nội dung quảng cáo thương hiệu thường khá đơn giản vì chỉ tập trung vào thương hiệu là chính.
4.2/ Quảng cáo trực tuyến (online advertising)
Quảng cáo trực tuyến là hình thức quảng cáo thông qua mạng internet để truyền tải thông điệp, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện nay, những hình thức quảng cáo trực tuyến được sử dụng phổ biến là quảng cáo qua công cụ tìm kiếm (SEM), quảng cáo qua email, quảng cáo qua các trang mạng xã hội, quảng cáo trên thiết bị di động…
4.3/ Quảng cáo địa phương (local advertising)
Quảng cáo địa phương thường được sử dụng trong các ngày khai trương cửa hàng hoặc quảng cáo tại các siêu thị, chủ yếu thông báo cho khách hàng được biết về những sản phẩm đang có mặt tại một địa điểm bán hàng nào đó.
4.4/ Quảng cáo hướng dẫn (directory advertising)
Quảng cáo hướng dẫn đơn giản chỉ là một hình thức quảng cáo để hướng dẫn khách hàng cách thức mua một sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.
4.5/ Quảng cáo chính trị (political advertising)
Được sử dụng phổ biến trong những cuộc bầu cử hoặc tranh luận chính trị…, quảng cáo chính trị thường được các chính trị gia dùng để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình hoặc ủng hộ chính kiến, ý tưởng của mình. Mạng xã hội hiện nay đang là sân chơi đầy hiệu quả và ít tốn kém cho loại hình quảng cáo này.
4.6/ Quảng cáo phản hồi trực tiếp (direct-response advertising)
Đây là một loại hình quảng cáo khuyến khích những khách hàng tiềm năng thực hiện một hành động cụ thể. Khi có nhu cầu mua hàng, khách hàng chỉ cần liên lạc qua điện thoại hoặc email, sản phẩm sau đó sẽ được giao đến tận nơi. Các nhà tiếp thị có thể sử dụng quảng cáo phản hồi trực tiếp qua các kênh như TV, báo, đài, email, mạng xã hội…